Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Tổng hợp các câu hỏi về giấy phép lao động người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp

09/09/2022
Giấy phép lao động là loại giấy tờ vô cùng quan trọng đối với người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam nói chung và làm việc trong các doanh nghiệp nói riêng. Siglaw tổng hợp các câu hỏi về giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp để doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài hay người lao động nước ngoài hiểu thêm về vấn đề này hơn.

Câu hỏi 1: Tại sao chỉ cho phép người lao động nước ngoài làm việc bốn vị trí là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật làm việc tại doanh nghiệp?

Trả lời: Mục đích sâu xa của giấy phép lao động work permit là bảo vệ lao động trong nước, giảm tình trạng cạnh tranh lao động nước ngoài với lao động Việt Nam nên quy định nhà nước chỉ cho phép người lao động nước ngoài chất lượng cao ở các vị trí là nhà quản lý, giám đốc điều hành (CEO), chuyên gia, lao động kỹ thuật được phép vào Việt Nam làm việc.

Xem thêm: Những vị trí mà người lao động nước ngoài có thể được cấp phép làm việc tại Việt Nam

Câu hỏi 2: Khi nào cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc doanh nghiệp?

Trả lời: Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc doanh nghiệp trong trường hợp sau:

  • Ít nhất trước 30 ngày kể từ khi doanh nghiệp, tổ chức muốn tuyển dụng người lao động nước ngoài vào Việt Nam.

  • Khi người nước ngoài không thuộc 20 trường hợp được miễn giấy phép lao động.

  • Khi người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động.

  • Khi người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động.

Câu hỏi 3: Ai sẽ phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động và quy trình thực hiện như thế nào?

Trả lời: Người sử dụng lao động là người thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động. Theo quy định pháp luật người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Lưu ý phải có công văn báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động trước 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động tới cơ quan có thẩm quyền (Sở lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp). Nội dung chủ yếu là khai báo với cơ quan nhà nước rằng, nhu cầu này là thật sự và chính đáng. Khi đã có văn bản xác nhận, doanh nghiệp sẽ làm thủ tục xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. 

Câu hỏi 4: Vậy doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động ở đâu?

Trả lời: Thông thường, người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài của công ty tại Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tại tỉnh mà doanh nghiệp đặt trụ sở (nằm ngoài khu công nghiệp). Trường hợp doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động là Ban quản lý khu công nghiệp. Ngoài ra, từ khi Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử chính thức có hiệu lực, bạn có thể nộp hồ sơ qua mạng điện tử. Tuy nhiên thì sau đó bạn vẫn cần nộp hồ sơ bản gốc để so sánh, đối chiếu.

Câu hỏi 5: Có quy định về thời hạn của văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài không?

Trả lời: Theo quy định tại Mẫu số 03 của Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì trong văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài phải có thời gian làm việc bắt đầu và kết thúc tương đồng với thời hạn của giấy phép lao động không quá 02 năm. Như vậy, thời gian đề nghị cấp, cấp lại giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động phải nằm trong khoảng thời gian (thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc) của văn bản chấp thuận đã có.

Câu hỏi 6: Doanh nghiệp đã nhận được văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài do Sở lao động và xã hội thông báo nhưng do thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự một số giấy tờ cá nhân người nước ngoài (giấy xác nhận kinh nghiệm, bằng đại học đang ở nước ngoài cho vị trí chuyên gia mất rất nhiều thời gian nên không kịp làm thủ tục cấp giấy phép lao động trước khi người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc. Vậy nếu người lao động nước ngoài làm việc ở doanh nghiệp trước khi được cấp giấy phép lao động có rủi ro gì không? 

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tài Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, người nước ngoài phải được cấp mới giấy phép lao động trước khi vào Việt Nam làm việc. 

Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định thì có thể bị xử phạt hành chính cả người lao động nước ngoài và doanh nghiệp, ngoài ra người lao động nước ngoài còn bị trục xuất.

Xem thêm: Mức phạt người lao động nước ngoài khi không có giấy phép lao động

Câu hỏi 6: Các trường hợp nào không thuộc diện cấp giấy phép lao động?

Trả lời: Theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 một trong những điều kiện để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam là có giấy phép lao động cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải người lao động nước ngoài nào cũng cần phải có giấy phép lao động. Tại Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP có quy định về 20 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm có:

  • Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

  • Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.

  • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

  • Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

  • Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

  • Tình nguyện viên.

  • Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

  • Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.

  • Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.

  • Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

  • Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

  • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

  • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

  • Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

  • Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật sư.

  • Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động có văn bản báo cáo giải trình nhu cầu theo và làm hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định pháp luật

Xem thêm: Thủ tục cấp giấy xác nhận miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài 

Câu hỏi 7: Đối với trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động tại doanh nghiệp cũ nay có nhu cầu làm việc song song tại doanh nghiệp khác thì có phải làm hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép lao động không?

Trả lời: Tuy luật không quy định người lao động nước ngoài tối thiểu bao nhiêu giấy phép lao động nhưng trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho cơ quan có thẩm quyền nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Như vậy, trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động có nhu cầu làm việc tại doanh nghiệp khác thì phải làm các thủ tục để được cấp giấy phép lao động theo quy định.

Xem thêm: Điều kiện, thủ tục, hồ sơ xin cấp mới giấy phép lao động theo luật mới nhất

Câu hỏi 8: Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng thay đổi vị trí và chức danh công việc trong doanh nghiệp đó thì có phải xin lại giấy phép lao động không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp Giấy phép lao động còn thời hạn nhưng muốn thay đổi vị trí công việc được xem là trường hợp đặc biệt. Khi thuộc trường hợp này, người lao động nước ngoài cũng như người sử dụng lao động cần chuẩn bị hồ sơ để tiến thành cấp Giấy phép lao động để phù hợp với vị trí công việc hiện tại nhưng được đơn giản hóa một số giấy tờ quy định tại Điểm b Điều 9 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

Câu hỏi 9: Công ty tôi có trường hợp người nước ngoài đã nghỉ làm những công ty trước và làm qua nhiều quốc gia thì không dễ để xin xác nhận đủ 03 năm kinh nghiệm. Vậy nếu xin vị trí chuyên gia làm việc công ty tôi như thế nào?

Trả lời: Việc chứng minh kinh nghiệm của người lao động nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản a Điều 4 Nghị quyết 105/2021/NQ-CP: “Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo là: Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.”. Vì vậy người nước ngoài làm việc ở ví trí chuyên gia ngoài có Bằng đại học và giấy xác nhận kinh nghiệm ít nhất 03 năm trở lên. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài đã làm việc tại nhiều quốc gia, nhiều công ty khác nhau thì có thể dùng các giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ngoài tại các quốc gia để cộng dồn chứng minh số năm kinh nghiệm làm việc của mình. Các giấy tờ trên của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và chứng thực trước khi tiến hành làm thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật. Đây thể hiện sự tạo điều kiện giữa nhà nước đối với người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam.

Xem thêm: Hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với vị trí chuyên gia

Câu hỏi 10: Như thế nào được coi là vị trí giám đốc điều hành, các giấy tờ có thể chứng minh vị trí này là các giấy tờ gì?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì “Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Như vậy, giám đốc điều hành bao gồm các trưởng phòng, ban của doanh nghiệp là những đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy phép lao động, hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm có xác định người lao động nước ngoài đó đã làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành.

  • Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động nước ngoài đó đã từng làm việc xác nhận.

  • Bản sao y đăng ký kinh doanh.

Xem thêm: Hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với vị trí nhà quản lý

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020