Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Thẻ tạm trú là gì - Những điều cơ bản cần biết

28/09/2022
Chắc hẳn người lao động nước ngoài đã biết khi làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động và thẻ tạm trú. Vậy thẻ tạm trú là gì? Có cần thiết phải có thẻ tạm trú khi sinh sống tại Việt Nam không? Sau đây Hãng luật Siglaw xin giới thiệu cho quý khách các thông tin cơ bản về Thẻ tạm trú để hiểu rõ hơn quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

1. Khái niệm thẻ tạm trú?

Pháp luật quy định: Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực theo Khoản 3 Điều 13 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2019.


 

Thẻ tạm trú và những điều cần biết

Như vậy, ở đây hiểu rằng về mặt pháp lý thẻ tạm trú có giá trị tương đương thị thực (visa). Bởi lẽ hai loại giấy tờ này đều cho phép người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hợp pháp. Hay nói ngắn gọn, thẻ tạm trú chứng minh được rằng người nước ngoài đang cư trú thực sự tại một địa điểm cụ thể tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, so với thị thực, thẻ tạm trú lại có những ưu điểm và thuận tiện hơn. Bởi lẽ, về thời hạn, thông thường thẻ tạm trú sẽ có thời hạn dài hơn thị thực. 

Lấy ví dụ: Đối với diện đầu tư có ký hiệu ĐT1, thị thực chỉ có thời hạn tối đa là 05 năm, nhưng thẻ tạm trú lại có thời hạn tối đa là 10 năm. Như vậy, trong một số trường hợp, với thẻ tạm trú, nhà đầu tư có thể cư trú lâu hơn và không phải gia hạn nhiều lần như thị thực. 

Ngoài ra, về hình thức, trong khi thẻ tạm trú có kích thước nhỏ gọn tương đương thẻ căn cước công dân, có thể mang đi dễ dàng, thì hình thức của thị thực lại có thể là dán vào hộ chiếu, một tờ giấy cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử, khiến cho việc lưu giữ và mang đi bất tiện hơn nhiều.

Ảnh mẫu thẻ tạm trú cho người nước ngoài

Ảnh mẫu thẻ tạm trú cho người nước ngoài 

2. Những đối tượng được cấp thẻ tạm trú

Đối tượng được cấp thẻ tạm trú được phân làm nhiều loại. Người nước ngoài có thể vào Việt Nam theo diện nhà ngoại giao, báo chí theo quy định về ngoại giao và luật báo chí; theo diện nhà đầu tư thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam hoặc của nước ngoài tại Việt Nam, hoặc có người thân đã được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, kết hôn với công dân Việt Nam. Thậm chí người lao động cũng có thể xin cấp thẻ tạm trú (trường hợp có giấy phép lao động hoặc giấy phép hoạt động hành nghề tại Việt Nam).

Thẻ tạm trú là gì - Những điều cơ bản cần biết

3. Phân loại các loại thẻ tạm trú

Các loại thẻ tạm trú đều được ký hiệu tương tự như trên thị thực (visa), cụ thể như sau:

  • NG3: Người nước ngoài (cùng vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ) thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam.

  • ĐT1, ĐT2, ĐT3: Thẻ tạm trú diện đầu tư, cấp cho nhà đầu tư.

  • LĐ1, LĐ2: Thẻ tạm trú lao động, cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

  • TT: Thẻ tạm trú thăm thân, cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài thuộc các đối tượng trên.

Các loại ký hiệu thẻ tạm trú còn lại được hiểu như sau:

  • LV1, LV2: Người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương hoặc người vào làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

  • NN1, NN2: Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam hoặc người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.

  • LS, PV1, DH: Đây là các loại thẻ tạm trú cấp cho các ngành nghề đặc biệt, ví dụ như luật sư (LS), phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam (PV1) hay DH là dành cho du học sinh học tập, thực tập tại Việt Nam. 

Như vậy có thể thấy, các trường hợp được cấp thẻ tạm trú như trên đều là các trường hợp sẽ làm việc lâu dài tại Việt Nam. Còn các đối tượng vào Việt Nam ngắn hạn, pháp luật Việt Nam không cấp thẻ tạm trú mà chỉ cấp các loại giấy thông hành khác.

Xem thêm: Các loại thẻ tạm trú hiện hành dành cho người nước ngoài tại Việt Nam

4. Thời hạn thẻ tạm trú

Cũng giống như các loại giấy thông hành khác cấp cho người nước ngoài (trừ thẻ thường trú), thẻ tạm trú cũng giới hạn một khoảng thời gian nhất định. Điều 37 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 sửa đổi bổ sung 2019 có quy định dựa trên ký hiệu cụ thể như sau:

Ký hiệu Thời hạn tối đa
ĐT1 10 năm
NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2, DH 05 năm
NN1, NN2, ĐT3, TT 03 năm
LĐ1, LĐ2, PV1 02 năm 

Lưu ý: Rằng thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày

Lấy ví dụ: Dự kiến tháng 08/2022 bà A là vào Việt Nam theo diện visa đầu tư ĐT2 và thẻ tạm trú sẽ có thời hạn tối đa 03 năm. Nhưng do hộ chiếu của bà A đến ngày 30/09/2023 hết hạn, nên thẻ tạm trú chỉ được cấp thời hạn đến ngày 31/08/2023 (khoảng 01 năm). 

Nếu quý khách gặp trường hợp tương tự, quý khách nên đi làm lại hộ chiếu để chỉ phải làm thẻ tạm trú một lần và thời hạn thẻ tạm trú cấp được dài hơn, đỡ tốn thời gian và chi phí xin cấp lại thẻ tạm trú.

5. Các nghiệp vụ thường gặp liên quan đến thẻ tạm trú

5.1. Khai báo tạm trú người nước ngoài

Theo quy định tại Thông tư 53/2016/TT-BCA, hiện nay có 2 hình thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài đó là khai báo tạm trú qua mạng tại trang thông tin điện tử và thứ hai khai báo bằng phiếu khai báo tạm trú. Riêng đối với cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử.

Xem thêm: Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam

5.2. Cấp mới thẻ tạm trú

Để được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài tại Việt Nam cần đáp ứng được những điều kiện theo pháp luật quy định, cụ thể: 

  • Hộ chiếu của người nước ngoài phải còn hạn sử dụng tối thiểu là 13 tháng. 

  • Người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký tạm trú tại công an xã, phường hoặc trên hệ thống trực tuyến theo đúng quy định.

  • Người nước ngoài phải có cá nhân, tổ chức mời, bảo lãnh người người nước ngoài ở lại Việt Nam. 

Về quy trình, thủ tục xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài, cá nhân, tổ chức bảo lãnh người nước ngoài cần tiến hành soạn 01 bộ hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú và nộp trực tiếp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của tỉnh/ thành phố nơi người nước ngoài cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Bộ ngoại giao Việt Nam. 

Thời gian dự kiến, 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ tạm trú sẽ ra kết quả cấp thẻ tạm trú. Nếu không đồng ý, nêu rõ lí do để cá nhân, tổ chức bảo lãnh biết.

Xem thêm thủ tục chi tiết tại bài viết: Thủ tục cấp mới thẻ tạm trú cho người nước ngoài

5.3. Gia hạn thẻ tạm trú

Thực tế thẻ tạm trú Việt Nam khi cấp cho người ngoài là không gia hạn được. Thẻ tạm trú cấp cho người nước ngoài chỉ có thể đổi và cấp mới khi sắp hết hạn. 

Ví dụ: Khi thẻ tạm trú hiện tại sắp hết hạn, cá nhân, tổ chức bảo lãnh người nước ngoài lên Cục xuất nhập cảnh xin gia hạn thẻ tạm trú, chuyên viên sẽ thu hồi thẻ cũ và hướng dẫn làm thủ tục giống như xin cấp mới Thẻ tạm trú cho người nước ngoài với thời hạn rõ ràng. 

5.4. Thu hồi thẻ tạm trú

Điểm e khoản 2 Điều 45 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi bổ sung 2019 quy định đối với các trường hợp người nước ngoài có thẻ tạm trú vẫn còn thời hạn nhưng không có nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm văn bản để thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài làm các thủ tục xuất cảnh. 

Xem thêm: Chi tiết các trường hợp thu hồi thẻ tạm trú cho người nước ngoài

Đối với các trường hợp phát hiện người nước ngoài có các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tuỳ vào từng mức độ, cơ quan chức năng cũng có thể tịch thu thẻ tạm trú và trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 

6. Mức phạt khi không có thẻ tạm trú

Hiện nay, người nước ngoài nhập nhập cảnh vào Việt Nam lưu trú sẽ được được cấp visa không quá 90 ngày với thời hạn 1 tháng và 3 tháng. Nếu không có lý do chính chính đáng để ở lại Việt Nam lâu dài, khi người nước ngoài vượt quá thời hạn visa được cấp khi nhập cảnh mà vẫn còn lưu trú tại Việt Nam. Đồng thời cũng chưa nộp hồ sơ để xin thêm thời gian lưu trú: xin gia hạn visa, xin cấp thẻ tạm trú. 

Những trường hợp đó được xếp là hành vi lưu trú bất hợp pháp, vi phạm Luật xuất nhập cảnh tại Việt Nam. Theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hành vi quá hạn visa sẽ bị xử phạt hành chính dựa trên số ngày quá hạn visa với mức phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng: nếu để quá hạn visa hoặc giấy tờ tương đương thẻ thông hành, thẻ tạm trú, … dưới 16 ngày.

  • Từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng: quá hạn từ 16 ngày đến dưới 30 ngày.

  • Từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng: quá hạn từ 30 ngày đến dưới 60 ngày.

  • Từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng: quá hạn từ 60 ngày đến 90 ngày không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

  • Từ 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng: quá hạn từ 90 ngày trở lên.

  • Từ 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng: nếu không chấp hành quyết định buộc xuất cảnh Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền, vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam.

Ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam.

7. Cơ quan có thẩm quyền quản lý thẻ tạm trú

Có 02 cơ quan có thẩm quyền quản lý thẻ tạm trú gồm:

  • Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bao gồm Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của tỉnh/ thành phố nơi người nước ngoài cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

  • Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

Ảnh: Bộ ngoại giao Việt Nam (bên trái) và Cục quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An (bên phải)

Ảnh Bộ ngoại giao Việt Nam (bên trái) và Cục quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An (bên phải)

8. Câu hỏi thường gặp liên quan đến thẻ tạm trú người nước ngoài 

Câu hỏi 1: Ai là người tiến hành xin thẻ tạm trú và cách thực hiện như thế nào?

Việc xin thẻ tạm trú sẽ do cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh thực hiện. Người nước ngoài sẽ không phải tự làm thủ tục này.

Ngay sau khi có các loại giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp Thẻ tạm trú, ví dụ như giấy phép lao động, giấy chứng nhận không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động, Giấy phép hành nghề luật sư đối với luật sư quốc tế, Giấy đăng ký kết hôn đối với trường hợp kết hôn với người Việt Nam,.. thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có thể tiến hành nộp hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Sau 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét cấp thẻ tạm trú và trả kết quả.

Câu hỏi 2: Hồ sơ, thủ tục xin thẻ tạm trú có phức tạp hay không?

Hiện nay, theo quy định của pháp luật tùy vào mục đích của người nước ngoài như: đầu tư, làm việc, học tập, thăm thân,... dự kiến cư trú lâu dài hợp pháp tại Việt Nam mà thành phần của từng hồ sơ là khác nhau nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc chung của pháp luật.

Câu hỏi 3: Người lao động nước ngoài không có thẻ tạm trú có được phép làm việc tại Việt Nam hay không?

Điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam là phải được cấp phép lao động và được cấp phép tạm trú tại Việt Nam. Do đó, để được ở Việt Nam tạm trú hợp pháp thì người lao động nước ngoài cũng phải có thị thực hoặc thẻ tạm trú. Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam mà không có thị thực hoặc thẻ tạm trú sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị xử phạt hành chính, trục xuất tùy theo mức độ vi phạm.

Có rất nhiều lý do để người nước ngoài xin thẻ tạm trú, đó có thể là tạm trú để đầu tư, để làm việc, học tập hoặc sinh sống lâu dài với người thân tại Việt Nam. Vì vậy người lao động nước ngoài nên chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về thẻ tạm trú. Cần phân biệt rằng thẻ tạm trú là giấy xác nhận cư trú do Bộ công an quản lý, còn nếu người nước ngoài vào làm việc theo diện lao động thì vẫn phải xin giấy phép lao động, giấy phép hành nghề.

9. Căn cứ pháp lý

  •  Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2019.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty luật Siglaw, nếu bạn đang có bất kỳ thắc mắc hay khó khăn nào trong quy trình xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng và kịp thời và hoàn toàn miễn phí.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020