Xét về mặt an ninh trật tự, khi người nước ngoài đến Việt Nam, việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài rất quan trọng. Điều này giúp cơ quan chức năng có thể kiểm soát được người nước ngoài vào Việt Nam, tránh tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đăng ký tạm trú cũng là một bước quan trọng trong việc xin thủ tục làm thẻ tạm trú. Vậy thủ tục đăng ký tạm trú như thế nào? Quý khách hãy cùng hãng luật Siglaw tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Xem thêm: Thủ tục cấp mới thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
1. Quy định về đăng ký tạm trú cho người nước ngoài
Đăng ký tạm trú được hiểu là việc khai báo nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú. Có 03 trường hợp người nước ngoài phải đăng ký tạm trú:
-
Người nước ngoài mới vào Việt Nam lần đầu tiên.
-
Người nước ngoài thay đổi địa chỉ tạm trú. Ví dụ đổi địa điểm thuê trọ, hoặc mua nhà mới, ...
-
Người nước ngoài khi đi tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú. Ví dụ đi công tác, đi du lịch trên lãnh thổ Việt Nam, ...
Hướng dẫn đăng ký tạm trú online cho người nước ngoài
Theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi bổ sung 2019, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú (cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám chữa bệnh, nhà riêng…) sẽ có nghĩa vụ đăng ký tạm trú cho người nước ngoài. Như vậy, khi người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống, họ sẽ không trực tiếp đăng ký tạm trú mà sẽ cung cấp thông tin cho người quản lý cơ sở lưu trú để họ khai báo là được.
Lấy ví dụ: Anh Jame là người Canada sang Việt Nam làm việc theo hình thức hợp đồng lao động. Anh Jame có thuê nhà của anh A (công dân Việt Nam). Anh A là chủ nhà và trực tiếp quản lý căn hộ đó. Trong trường hợp này, anh A sẽ có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho anh Jame.
Ngoài ra, cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải có mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh để thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử. Các cơ sở lưu trú khác được lựa chọn một trong hai cách thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử hoặc bằng Phiếu khai báo tạm trú nhưng thực hiện qua Trang thông tin điện tử được khuyến khích hơn.
2. Các hình thức đăng ký tạm trú người nước ngoài có thể thực hiện tại Việt Nam
Theo quy định tại Thông tư 53/2016/TT-BCA, hiện nay có 2 hình thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài, bao gồm: khai báo tạm trú online tại trang thông tin điện tử và khai báo bằng phiếu khai báo tạm trú.
2.1. Khai báo trực tuyến
Bước 1: Truy cập Trang thông tin điện tử để nhận tài khoản khai báo
Người khai báo tạm trú truy cập vào trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở lưu trú. Cú pháp tìm kiếm: tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương + xuatnhapcanh.
Ví dụ: Gõ “Hanoixuatnhapcanh”, kết quả tìm kiếm sẽ cho ra trang web: https://hanoi.xuatnhapcanh.gov.vn/
Tiếp tục, người khai báo cung cấp các thông tin cụ thể gồm:
-
Thông tin của cơ sở lưu trú: Tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú.
-
Thông tin của người khai báo: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số giấy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Sau khi điền đầy đủ các thông tin, người khai báo sẽ được nhận một tài khoản khai báo để tiến hành khai báo thông tin. Bước này sẽ được bỏ qua nếu cơ sở lưu trú đã có tài khoản khai báo.
Bước 2: Khai báo thông tin tạm trú
-
Về thời hạn: Ngay lập tức sau khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
-
Về trình tự: Người khai báo tạm trú truy cập Trang thông tin điện tử, đăng nhập tài khoản khai báo, sau đó thực hiện việc khai báo thông tin tạm trú. Thông tin khai báo tạm trú gồm: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tạm trú
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài được khai báo qua Trang thông tin điện tử 24 giờ/07 ngày. Trong trường hợp người nước ngoài tạm trú tại các cơ sở lưu trú thuộc khu vực biên giới, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh sẽ thông báo cho đồn biên phòng nơi có cơ sở lưu trú.
2.2. Khai báo trực tiếp
Bước 1: Khai và chuyển Phiếu khai báo tạm trú
Người khai báo tạm trú liên hệ trực ban Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an để được cung cấp mẫu Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu NA17 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA của Bộ Công an. Sau đó, người khai báo tạm trú ghi thông tin vào Phiếu khai báo tạm trú và chuyển trực tiếp cho trực ban Công an cấp xã nơi có cơ sở lưu trú.
Mẫu NA17 - Phiếu khai báo tạm trú người nước ngoài
Về thời hạn, cơ sở lưu trú phải khai báo trong thời hạn 12 giờ, và 24 giờ đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa kể từ khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú. Trong trường hợp chưa thể chuyển Phiếu khai báo tạm trú theo thời hạn như trên, người khai báo có thể gửi trước qua fax hoặc thông báo thông tin qua điện thoại đến trực ban Công an cấp xã để thông báo và tiến hành nộp bù sau.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận Phiếu khai báo tạm trú
Trực ban Công an cấp xã tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài được khai báo bằng Phiếu khai báo tạm trú 24 giờ/07 ngày.
3. Người nước ngoài đến Việt Nam không khai báo tạm trú có bị xử phạt không?
Do khai báo tạm trú là điều kiện bắt buộc đối với người lao động nước ngoài, vì vậy, trong trường hợp không khai báo tạm trú, cả người nước ngoài và chủ cơ sở lưu trú đều bị xử phạt. Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mức phạt trong trường hợp này. Theo đó mức phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng tương ứng với các hành vi như sau:
-
Cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tạm trú qua đêm nhưng không khai báo tạm trú hoặc không cập nhật thông tin khai báo tạm trú theo quy định.
-
Người nước ngoài không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật.
-
Ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi phát hiện thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hết hạn.
4. Căn cứ pháp lý
-
Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
-
Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2019.
-
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư 2020.
Như vậy, thông qua bài viết này của Công ty luật Siglaw bạn đọc đã hiểu hơn về quy trình và cách đăng ký tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Ngoài đăng ký tạm trú người nước ngoài sẽ cần làm một số thủ tục khác, quý khách có thể xem thêm bài viết "Các thủ tục người lao động nước ngoài cần tuân thủ khi làm việc ở Việt Nam" để biết thêm chi tiết.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn