Hiện nay là thời điểm nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đồng thời tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đã được kiểm soát, mở ra cơ hội cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên không phải người lao động nước ngoài nào cũng biết được những giấy tờ cần thiết để có thể cư trú và làm việc tại Việt Nam đúng quy định pháp luật. Vậy người lao động nước ngoài ở Việt Nam cần những giấy tờ gì? Qua bài viết này Siglaw sẽ tóm lược lại các giấy tờ người lao động nước ngoài cần chú ý khi làm việc và cư trú tại Việt Nam.
Sau đây là danh sách các giấy tờ người lao động nước ngoài cần mang theo khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam:
1. Giấy phép lao động
Ngoài 20 trường hợp được miễn giấy phép lao động thì người lao động nước ngoài muốn làm việc hợp pháp tại Việt Nam bắt buộc phải có giấy phép lao động. Giấy phép lao động là giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (cơ quan hiện tại quản lý giấy phép lao động là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động trong các mối quan hệ lao động. Thời hạn giấy phép lao động tối đa là 2 năm.
Trường hợp người lao động không có giấy phép lao động sẽ bị phạt hành chính với số tiền dao động từ 15-25 triệu đồng và rủi ro bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Ngoài ra nếu có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra giữa người lao động nước ngoài và doanh nghiệp, thì Tòa án chỉ bảo vệ người lao động khi người đó đã được cấp Giấy phép lao động bảo cơ quan có thẩm quyền. Do đó người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp xin Giấy phép lao động để tránh rủi ro trong quá trình làm việc và đảm bảo tối đa quyền lợi của mình nếu có tranh chấp xảy ra.
Ảnh: Giấy phép lao động
Lưu ý: Sau khi được cấp giấy phép lao động thì người nước ngoài sẽ có đủ điều kiện để xin cấp thẻ tạm trú diện lao động.
Xem thêm: Giấy phép lao động là gì?
2. Thẻ tạm trú
Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công An hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam. Mặt khác thẻ tạm trú có giá trị tương đương thị thực (visa) cho phép người nước ngoài sinh sống và dễ dàng xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Thẻ tạm trú diện lao động có thời hạn tối đa 02 năm theo thời hạn của Giấy phép lao động.
Nếu người nước ngoài ở Việt Nam mà không có visa hoặc Thẻ tạm trú còn thời hạn thì sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp, có thể bị phạt tối đa lên đến 20.000.000 đồng và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Ảnh: Thẻ tạm trú
Lưu ý: Thẻ tạm trú không gia hạn. Thay vào đó sau khi hết hạn thẻ tạm trú thì người sử dụng lao động làm thủ tục xin cấp mới thẻ tạm trú cho người lao động.
Xem thêm: Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
3. Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là một văn bản quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung, và đặc biệt là người lao động nước ngoài khi sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác. Chính vì vậy, khi bắt đầu sang Việt Nam, người lao động cần yêu cầu người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động càng sớm càng tốt.
Ảnh: Mẫu hợp đồng lao động
Lưu ý: Thời gian làm việc trên Hợp đồng sẽ phải căn cứ theo thời hạn làm việc trên Giấy phép lao động được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm: Những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động
4. Thẻ thường trú
Trong quá trình sinh sống tại Việt Nam, nếu như người lao động nước ngoài kết hôn với công dân thường trú tại Việt Nam hoặc đã có cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam thì có thể được xem xét cho thường trú. Để được xem xét thường trú, người lao động nước ngoài cần đáp ứng một số điều kiện như: phải có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam và phải tạm trú tại Việt Nam liên tục 03 năm trở lên.
Khác với giấy phép lao động và thẻ tạm trú, việc xin thường trú sẽ do chính người lao động nước ngoài làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ, người lao động sẽ phải chờ một thời gian tương đối dài, từ 04 đến 06 tháng để nhận được kết quả.
Ảnh: Thẻ thường trú
Xem thêm: Quy trình cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
5. Giấy phép lái xe
Sau khi được cấp thẻ tạm trú, thẻ thường trú, nếu người nước ngoài có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng mà có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thì cần làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tương đương.
Nếu người nước ngoài không có Giấy phép lái xe của Việt Nam mà điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì sẽ bị phạt với lỗi không có Giấy phép lái xe. Mức phạt dao động từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng và bị tịch thu giấy phép lái xe nước ngoài.
Ảnh: Giấy phép lái xe
Do đó, người lao động nước ngoài nếu có nhu cầu điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam cũng cần chú ý đến loại giấy tờ này.
Xem thêm: Thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam
Có thể thấy người nước ngoài cần chú ý rất nhiều loại giấy tờ cần thiết để có thể sinh sống và làm việc tại Việt Nam đúng quy định pháp luật. Vì vậy, người lao động nước ngoài nên tìm hiểu kỹ các thông tin và chú ý đặc biệt về thời hạn giấy phép lao động và thẻ tạm trú để tránh bị phạt khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn