Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Điều kiện, trình tự thu hồi giấy phép lao động

09/09/2022
Thu hồi giấy phép lao động là một vấn đề mà người lao động nước ngoài cần phải nắm được khi đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam bởi nó sẽ giúp người lao động có phương án chuẩn bị kịp thời khi đang sinh sống tại một quốc gia khác không phải quốc gia mình. Vậy đâu là điều kiện để thu hồi giấy phép lao động, và trình tự thu hồi như thế nào?

Bài viết sau đây sẽ làm rõ những từng khía cạnh về việc thu hồi giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành để bạn đọc có thể nắm rõ được. 

1. Điều kiện thu hồi giấy phép lao động

Giấy phép lao động là do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người lao động nước ngoài và trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước Việt Nam cũng có thẩm quyền để thu hồi giấy phép đó.


 

Giấy phép lao động và những điều cần biết

Như vậy Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh/ thành phố hoặc Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất tỉnh/ thành phố sẽ có thẩm quyền thu hồi giấy phép lao động. Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP đặt ra một số điều kiện thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài như sau:

Điều kiện, trình tự thu hồi giấy phép lao động

Trường hợp 1: Giấy phép lao động hết hiệu lực trong các trường hợp:

  • Thời hạn của giấy phép lao động đã hết. Ví dụ, giấy phép lao động có thời hạn từ 15/09/2021 đến 14/09/2023. Như vậy kể từ ngày 15/09/2023, giấy phép lao động này sẽ bị thu hồi.

  • Người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài. Ví dụ, Công ty A và anh B ký hợp đồng lao động 01 năm từ 30/8/2021 đến 30/8/2022. Vậy trong trường hợp này, khi hợp đồng kết thúc mà anh B không tiếp tục làm việc tại Công ty A và cũng không chuyển công ty khác tại Việt Nam, thì anh B phải nộp lại giấy phép lao động cho công ty A để tiến hành thu hồi.

  • Nội dung hợp đồng lao động và giấy phép lao động không khớp nhau. Ví dụ, Công ty A xin giấy phép lao động cho ông B với vị trí nhà quản lý, chức vụ Giám đốc. Tuy nhiên, hợp đồng lao động lại thỏa thuận chức vụ của ông B chỉ là chuyên gia chức danh Trưởng phòng. Trong trường hợp này giấy phép lao động cũng sẽ bị thu hồi. 

  • Việc làm thực tế của người lao động nước ngoài không khớp với giấy phép lao động. Ví dụ, giấy phép lao động của ông X ghi chức danh chuyên gia tư vấn chiến lược nhưng ông X sang Việt Nam lại làm nhà tạo mẫu tóc. 

  • Hợp đồng kinh tế là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt. Ví dụ, Công ty A là công ty Singapore ký hợp đồng hợp tác dự án nghiên cứu phần mềm với công ty B là công ty Việt Nam thời hạn 1 năm, thỏa thuận sẽ có 02 người Singapore sang Việt Nam làm việc với. Hết hợp đồng hợp tác, giấy phép lao động của 02 người Singapore cũng sẽ bị thu hồi trước khi về nước.

  • Có văn bản thông báo của phía nước ngoài ngừng cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ví dụ, năm 2021 Công ty A thành lập công ty con tại Việt Nam và có văn bản cử ông B đảm nhiệm vị trí Giám đốc Việt Nam. Năm 2023 Công ty A ban hành văn bản ngừng cử ông B sang Việt Nam và điều ông B về nước. Như vậy, giấy phép lao động của ông B sẽ bị thu hồi.

  • Doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam và của nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động nước ngoài chấm dứt, giải thể. Ví dụ: Công ty X có thuê người lao động nước ngoài là ông Y với vị trí Phó Giám đốc. Sau đó công ty X làm ăn thua lỗ và phải giải thể công ty dẫn tới chấm dứt hợp đồng với ông Y. Ông Y không có nhu cầu làm việc cho công ty khác cùng vị trí như trong giấy phép lao động, nên giấy phép của ông Y sẽ bị thu hồi lại. 

Trường hợp 2: Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ví dụ: Công ty A tại Việt Nam gian lận giấy tờ để thuê người lao động nước ngoài dưới 18 tuổi hoặc người chưa được xoá án tích về làm việc.

Trường hợp 3: Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, người lao động nước ngoài không tuân thủ các quy định pháp luật và khiến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị ảnh hưởng.

Ví dụ: Anh B là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện nhà quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở Việt Nam, anh B đã tham gia vào đường dây buôn bán ma tuý và lôi kéo người Việt Nam tham gia. Trường hợp này anh B sẽ bị truy tố hình sự và tịch thu giấy phép lao động.

2. Trình tự thu hồi giấy phép lao động

Về trình tự và thẩm quyền thu hồi, mỗi trường hợp sẽ có trình tự khác nhau, nhưng về cơ bản, việc thu hồi sẽ do người sử dụng lao động thu hồi và nộp lại cho Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất tỉnh/ thành phố. Cụ thể:

Đối với trường hợp 1: Giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động sẽ chủ động thu hồi trong vòng 15 ngày tính từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực. Lưu ý rằng, khi người sử dụng lao động nộp giấy phép lao động thì phải nộp kèm văn bản nêu rõ lý do thu hồi hoặc trình bày những đối tượng phải thu hồi nhưng chưa thu hồi được. Hiện nay pháp luật không quy định mẫu văn bản nêu lý do thu hồi giấy phép lao động. Tuy nhiên, khi soạn văn bản, người sử dụng lao động cần chú ý nêu rõ một số nội dung sau: 

  • Thông tin doanh nghiệp: tên doanh nghiệp, loại hình, tổng số lao động, số lao động nước ngoài hiện có, địa chỉ, số điện thoại, số giấy phép kinh doanh. 

  • Thông tin người lao động xin cấp lại: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, trình độ chuyên môn (nếu có), vị trí công việc, chức danh, hình thức làm việc, thời hạn làm việc. 

  • Lý do thu hồi hoặc lý do thuộc diện thu hồi nhưng chưa thu hồi được. 

Đối với trường hợp 2 và 3: Việc thu hồi giấy phép lao động chỉ diễn ra khi Bộ/Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất tỉnh/ thành phố trong quá trình kiểm tra, phát hiện ra những sai sót, sau đó ra Quyết định thu hồi giấy phép lao động. Sau đó, tương tự với trường hợp 1, người sử dụng lao động thu hồi và nộp lại cho Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất tỉnh/ thành phố.

Ảnh: Mẫu 13/PLI Quyết định về việc thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài

Sau khi giấy phép lao động đã được thu hồi về Bộ/Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất tỉnh/ thành phố sẽ gửi văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Xem thêm các thủ tục khác liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài: 

3. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

  • Nghị định 152/2020/NĐ-CP Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Hãng luật Siglaw về điều kiện, trình tự thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài. Nếu bạn đang có bất kỳ thắc mắc hay khó khăn nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline/zalo: 0967 818 020 để được tư vấn nhanh chóng, kịp thời và hoàn toàn miễn phí.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020