Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động

08/07/2021
Hợp đồng lao động được dựa trên sự nhất trí của bên sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, vẫn có những nội dung mà hợp đồng lao động bắt buộc phải có. Vì vậy, trước khi ký kết chính thức hợp đồng lao động, các doanh nghiệp cần đảm bảo hợp đồng có những điều khoản sau:

1. Những nội dung bắt buộc cần có trong hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung của hợp đồng lao động bắt buộc phải có những nội dung sau:

Những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động

a. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động

  • Tên của người sử dụng lao động: Đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo tên của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; đối với tổ hợp tác thì lấy theo tên tổ hợp tác ghi trong hợp đồng hợp tác; đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo họ tên của người đại diện hộ gia đình, cá nhân ghi trong Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu được cấp.

  • Địa chỉ của người sử dụng lao động: Đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; đối với tổ hợp tác thì lấy theo địa chỉ trong hợp đồng hợp tác; đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo địa chỉ nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân đó; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có).

  • Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: Ghi theo họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động.

b. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động

  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.

  • Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài.

  • Họ tên, địa chỉ nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.

c. Công việc và địa điểm làm việc

  • Công việc: Những công việc mà người lao động phải thực hiện.

  • Địa điểm làm việc của người lao động: Địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.

d. Thời hạn của hợp đồng lao động

Thời gian thực hiện hợp đồng lao động bao gồm số tháng hoặc số ngày trong thời điểm khác nhau:

  •  Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn)

  •  Thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn).

e. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

  • Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

    • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

    • Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

  • Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

    • Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

    • Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

    • Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

  • Hình thức trả lương gồm có:

    • Trả lương theo thời gian.

    • Trả lương theo sản phẩm.

    • Trả lương khoán.

  • Kỳ hạn trả lương:

    • Theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, chỉ khi vì lý do bất khả kháng thì người sử dụng lao động mới có thể trả lương trễ so với thời hạn thỏa thuận

    • Tuy nhiên không được chậm quá 30 ngày, nếu không sẽ bị phạt vi phạm và phải đền bù tổn thất cho người lao động.

f. Chế độ nâng bậc, nâng lương:

Theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

g. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

Theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

h. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động:

Những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

i. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

k. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề:

Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

2. Một số lưu ý về hợp đồng lao động mà người nước ngoài cần biết:

  • Hợp đồng lao đồng thường sẽ không có thời gian thử việc. Do việc tuyển dụng người lao động nước ngoài rất khó khăn và tốn kém chi phí, nên người sử dụng lao động hầu như đã chắc chắn sử dụng lao động nước ngoài đó nên người lao động nước ngoài sẽ vào làm việc ngay mà không cần thử việc.

  • Về mức lương, thưởng và thời hạn trả lương, người lao động cần chú ý những điều khoản trên cần ghi rõ ràng, tránh tình trạng công ty giữ lương, nợ lương. Bên cạnh đó người lao động cũng cần chú ý về chế độ như đóng thuế và bảo hiểm xã hội. Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động, vì vậy, các điều khoản trong hợp đồng cần quy định rõ mức lương trên đã trừ tiền bảo hiểm xã hội và thuế hay mức đó vẫn bao gồm bảo hiểm xã hội và thuế. 

  • Về mô tả công việc, người lao động cần chú ý mô tả công việc trên có đúng với vị trí đã thoả thuận hay không, tránh trường hợp phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ không đúng với thỏa thuận.

  • Ngoài ra người lao động cần chú ý thêm về trách nhiệm bồi thường tổn thất trong công việc hoặc trách nhiệm, nghĩa vụ khi kết thúc hợp đồng lao động. 

3. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2019.

  • Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Trên đây Siglaw trình bày cho bạn đọc các nội dung cần có và một số lưu ý trong hợp đồng lao động. Việc ký kết hợp đồng cũng là thủ tục quan trọng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra còn có một số thủ tục khác mà người lao động cần tuân thủ. Bạn đọc có thể xem chi tiết tại bài viết sau: Các thủ tục người lao động nước ngoài cần tuân thủ khi làm việc tại Việt Nam

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020