Chào luật sư, tôi có một dự án đầu tư thành lập công ty tại Campuchia ngành, nghề về buôn bán, xuất nhập khẩu đã có Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bên Campuchia. Hiện giờ, tôi muốn chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để vận hành dự án, tôi cần làm gì?
Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài là nhu cầu của bất kỳ dự án nào. Bài viết dưới đây của Siglaw sẽ cung cấp đến bạn những thông tin về mở tài khoản vốn đầu tư và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để giải đáp những thắc mắc của bạn.
1. Quy định về mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài
1.1. Khi nào phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài?
Đối với hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, việc mở tài khoản vốn đầu tư tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối là bắt buộc cho mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Khi mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối, thời điểm thực hiện thủ tục này xem tại bài viết: Hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối.
1.2. Nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư cần lưu ý việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài cần tuân thủ các nguyên tắc theo quy định pháp luật:
Thứ nhất, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng 01 (một) loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, trong một số trường hợp qua thực tiễn có các nhà đầu tư thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, theo quy định pháp luật, trong trường hợp này, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Chương III Thông tư này.
Thứ ba, trong một số trường hợp đặc biệt như có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài hoặc dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý tuân thủ theo nguyên tắc sau:
-
Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án.
-
Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần vốn góp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
2. Quy định về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
2.1. Khi nào nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài?
Theo quy định của pháp luật ngoại hối hiện hành, nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư và đăng ký giao dịch ngoại hối.
2.2. Quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thực tiễn tư vấn và làm việc, chúng tôi nhận thấy có nhiều trường hợp nhà đầu tư cần chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Đối với hoạt động này, pháp luật cũng có những quy định để điều chỉnh nguồn ngoại tệ ra nước ngoài trước khi nhà đầu tư được cấp GCN đầu tư nước ngoài. Theo đó, hoạt động này cần đáp ứng các nguyên tắc về trường hợp được chuyển, hạn mức chuyển, hình thức chuyển…
Trước hết, trong các trường hợp sau, nhà đầu tư sẽ được chuyển ngoại tệ trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
-
Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư.
-
Khảo sát thực địa.
-
Nghiên cứu tài liệu.
-
Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư.
-
Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư.
-
Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học.
-
Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư.
-
Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư.
-
Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
-
Đàm phán hợp đồng.
-
Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.
-
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý về hạn mức chuyển ngoại tệ trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác.
Về hình thức chuyển ngoại tệ trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ thực hiện việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư.
Khi chuyển đầu tư ra nước ngoài trước khi Giấy chứng nhận, pháp luật có những quy định để ràng buộc trách nhiệm và kiểm sát các hoạt động chuyển tiền nhà đầu tư:
Thứ nhất, nhà đầu tư cần tự chịu trách nhiệm sử dụng số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo đúng mục đích theo quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, quản lý ngoại hối và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, tổng số tiền chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và số tiền đăng ký chuyển ra nước ngoài sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, tổng số tiền chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và số tiền đăng ký chuyển ra nước ngoài sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của mỗi nhà đầu tư không vượt quá phần vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền của nhà đầu tư đó theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Thứ tư, ngân hàng Nhà nước xác nhận số ngoại tệ đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư tại văn bản xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
3. Căn cứ pháp lý
Thông tư 12/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn