Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Điều kiện, thủ tục giãn tiến độ dự án đầu tư

04/02/2023
Giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư là một trong các hoạt động kéo dài thời hạn thực hiện dự án đầu tư dựa trên quyết định của nhà đầu tư trong tình huống cấp thiết cần phải kéo dài thời gian dự án để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của nhà đầu tư mà còn phải quy định của pháp luật. Vậy, pháp luật Việt Nam đã có những quy định nào về điều kiện cũng như thủ tục giãn tiến độ dự án đầu tư.

Điều kiện, thủ tục giãn tiến độ dự án đầu tư

1. Định nghĩa về giãn tiến độ dự án đầu tư

Trong quá trình tiến hành một dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể sẽ gặp phải những khó khăn như thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình thực hiện dự án... do vậy, các nhà đầu tư sẽ có nhu cầu muốn kéo dài thời hạn thực hiện dự án để giải quyết các khó khăn nêu trên. 

Như vậy, việc nhà đầu tư kéo dài thời hạn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật từ sau khi dự án được quyết định đầu tư đến thời điểm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng được gọi là giãn tiến độ dự án đầu tư.

2. Quy định của pháp luật về giãn tiến độ dự án đầu tư

Theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư 2014 (hết hiệu lực ngày 01/01/2021), để giãn tiến độ dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tuân thủ các nội dung được quy định dưới đây:

- Đối tượng được làm thủ tục giãn tiến độ đầu tư:

  • Dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Dự án có quyết định chủ trương đầu tư.

Lưu ý: Trường hợp các nhà đầu tư muốn giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động; tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư thì phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư

- Thời gian giãn tiến độ đầu tư: Tổng thời gian được giãn tiến độ đầu tư là không quá 24 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng thì thời gian để khắc phục hậu quả của sự kiện bất khả kháng này không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư.

- Nội dung đề xuất giãn tiến độ đầu tư bao gồm:

  • Tình hình hoạt động của dự án đầu tư và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đến thời điểm giãn tiến độ;
  • Giải trình lý do và thời hạn giãn tiến độ thực hiện dự án;
  • Kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án bao gồm kế hoạch góp vốn, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa dự án vào hoạt động;
  • Cam kết của nhà đầu tư về việc tiếp tục thực hiện dự án.

- Thời hạn giải quyết yêu cầu giãn tiến độ đầu tư: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận được đề xuất giãn tiến độ đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ có ý kiến bằng văn bản về việc giãn tiến độ đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2014 hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 thì Luật Đầu tư năm 2020 lại không có bất kỳ điều khoản nào quy định cụ thể về nội dung giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Mặc dù là vậy, nhưng Luật Đầu tư năm 2020 vẫn có một số điều khoản đề cập đến vấn đề kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư như:

  • Điểm d Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: Trong trường hợp nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì khi muốn kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
  • Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: Trường hợp dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư sẽ không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh tiến độ đầu tư rơi vào một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư và thời gian điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư tối đa là 24 tháng. 

Các trường hợp được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư bao gồm:

  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
  • Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.

Như vậy, theo Luật Đầu tư năm 2020 không có điều khoản nào quy định rõ nội dung về giãn tiến độ đầu tư dự án mà chỉ có những quy định kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư được lồng ghép trong vấn đề điều chỉnh dự án đầu tư. Hay nói cách khác, theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư không được thực hiện thủ tục giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Do đó, điều này đồng nghĩa với việc không có quy định nào thể hiện cụ thể về điều kiện hay trình tự, thủ tục giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Nguyên nhân của việc bãi bỏ thủ tục giãn tiến độ đầu tư dự án là nhằm thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và bảo đảm tính đồng bộ của Luật Đất đai.

3. Thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư 2020

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các nhà đầu tư không thể thực hiện thủ tục giãn tiến độ đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, Siglaw xin giới thiệu với các bạn trình tự, thủ tục dùng để điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Thủ tục đó bao gồm các bước như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư

Hồ sơ gia xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư gồm có:

- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư theo mẫu.

- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư tính đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư.

- Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

- Bản giải trình hoặc cung cấp các tài liệu liên quan đến việc xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án:

  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Giải trình điều chỉnh dự án đầu tư về một hoặc một số nội dung sau: nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
  • Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư và các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép đầu tư/ Giấy phép kinh doanh đã cấp.

Bước 2. Nộp, giải quyết hồ sơ và nhận kết quả

Có 02 cách thức nộp hồ sơ như sau:

  • Cách 1: Nộp trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Cách 2: Kê khai thông tin về dự án đầu tư tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày kê khai thông tin trực tuyến nhà đầu tư phải nộp 03 bản hồ sơ nêu trên (bao gồm 01 bản gốc và 02 bẳn photo) đến Cơ quan đăng ký đầu tư.

Xét duyệt hồ sơ:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;
  • Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Bước 3. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định của Cơ quan đăng ký đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho các cơ quan sau:

  • Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư;
  • Cơ quan chấp thuận nhà đầu tư (đối với trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo diện Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu);
  • Các Sở, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

Trên đây là một số thông tin về vấn đề giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Hy vọng những thông tin mà Siglaw giới thiệu sẽ giúp các bạn hiểu thêm về quy định của pháp luật Việt Nam đối với vấn đề giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

4. Căn cứ pháp lý

  • Luật Đầu tư 2014
  • Luật Đầu tư 2020

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020