Việt Nam vừa kết thúc năm 2022 - 35 năm hành trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng những tín hiệu khả quan. Đại dịch Covid-19 đi qua, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư. Năm 2023 là một năm triển vọng của đầu tư FDI tại Việt Nam khi đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Vậy khi đầu tư vào Việt Nam, cần tuân thủ và thực hiện theo trình tự nào? Cùng theo dõi bài viết hướng dẫn đầu tư dự án FDI dưới đây của chúng tôi.
Không phải dự án đầu tư nào khi thực hiện cũng phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo Khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 có quy định về các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gồm có:
-
Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
-
Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020.
Có thể thấy rằng, các dự án cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đều là các dự án có yếu tố nước ngoài. Trong quá trình thực tế tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện quy trình đầu tư theo pháp luật Việt Nam, đặc biệt phổ biến đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới.
1. Xin chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có)
Pháp luật Đầu tư Việt Nam hiện hành quy định một số trường hợp đầu tư cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cụ thể các trường hợp quy định tại Điều 30, 31 và 32, Luật Đầu tư 2020 sẽ phải thực hiện thêm thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với một số dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, hồ sơ sẽ được gửi về cơ quan có thẩm quyền để xin xét duyệt. Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ sẽ được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ sẽ được gửi cho cơ quan đăng ký đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì thuộc thẩm quyền chấp thuận của Ban quản lý. Thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư thường kéo dài từ 50 – 70 ngày phụ thuộc vào từng dự án cụ thể cũng như cơ quan chấp thuận.
2. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng tương tự giống như hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32, Luật đầu tư 2020 và những dự án không cần chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời hạn sau đây:
-
05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
-
15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên.
Về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện như sau:
-
Bước 1: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.
-
Bước 2: Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
-
Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện.
3. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng hình thức thành lập tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài nhập 01 bộ tới Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính.
Cơ quan đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
4. Cấp giấy phép xây dựng (nếu có)
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Các công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung 2020 (trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng).
Mặt khác, để được cấp giấy phép xây dựng, nhà thầu nước ngoài cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 103 Nghị định 15/2021/NĐ-CP gồm:
-
Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ).
-
Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
-
Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
Sau khi đáp ứng được điều kiện nêu trên và chuẩn bị hồ sơ theo pháp luật quy định, nhà thầu nộp hồ sơ đến Cục hoạt động xây dựng hoặc Sở xây dựng (tùy từng trường hợp) để xin cấp Giấy phép xây dựng.
5. Đăng ký khắc và sử dụng con dấu
Con dấu là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp. Khác với trước đây, việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp được đăng ký, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 mà không chịu sự điều chỉnh chung của Nghị định về quản lý con dấu. Ngoài ra, pháp luật cũng đã ghi nhận mẫu dấu của doanh nghiệp gồm có hai hình thức gồm:
-
Dấu truyền thống (mẫu dấu được làm tại cơ sở khắc dấu)
-
Dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử
Mặt khác, doanh nghiệp có quyền quyết định về loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp cũng như chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
6. Mở tài khoản tại ngân hàng, Đăng ký chữ ký số và Hoá đơn điện tử
Doanh nghiệp được mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản tiền đồng Việt Nam tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài thì phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận. Thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết tùy thuộc vào các ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc đăng ký chữ ký số sẽ giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc xử lý các giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến như: kê khai nộp thuế, ký số trên hóa đơn điện tử đóng bảo hiểm xã hội hoặc thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp… Để đăng ký chữ ký số, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ để gửi đến Đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn. Đồng thời phục vụ doanh nghiệp liên quan đến việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) khi có nhu cầu.
7. Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có)
Việc lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức tiêu chuẩn quy định, các trường hợp phải thực hiện thủ tục này được quy định tại Điều 30 Luật bảo vệ môi trường 2020 gồm:
“ 1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;
b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.”
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm: Bộ tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy thuộc từng trường hợp theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thời gian giải quyết báo cáo đánh giá tác động môi trường không quá 45 ngày.
8. Đăng ký sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn (nếu có)
Doanh nghiệp chỉ được đưa vào sử dụng các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động khi đã có kết quả kiểm định đạt yêu cầu. Về thủ tục, doanh nghiệp thực hiện theo các bước sau:
-
Bước 1: Trong khoảng 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng, doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động phải gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
-
Bước 2: Trong vòng 05 ngày kể tử ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy xác nhận khai báo khi đưa vào sử dụng. Nếu từ chối, Sở sẽ có công văn từ chối và nêu rõ lý do.
9. Văn bản pháp luật Việt Nam về Đầu tư FDI
-
Luật Đầu tư 2020
-
Luật Doanh nghiệp 2020
-
Luật Thương mại 2005
-
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020
-
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
-
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
-
Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư
-
Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định Mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư
Như vậy, qua bài viết trên nhà đầu tư đã có được những kiến thức cơ bản về quy trình đầu tư, những thủ tục cần thực hiện khi đầu tư dự án FDI tại Việt Nam và hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam về đầu tư FDI. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực đầu tư FDI vào khu công nghiệp vì những ưu đãi đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. Theo dõi Siglaw để cập nhật những thông tin mới nhất về đầu tư FDI.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn