Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Quy định pháp luật về doanh nghiệp xã hội

23/09/2021
Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội. Vậy pháp luật có những quy định như thế nào về doanh nghiệp xã hội?

Quy định pháp luật về doanh nghiệp xã hội

1. Doanh nghiệp xã hội là gì?

Theo Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

  • Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

  • Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, và các quyền và nghĩa vụ khác như:

  • Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.

  • Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

  • Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện về mục tiêu hoạt động và việc sử dụng lợi nhuận trong suốt quá trình hoạt động.

  • Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

  • Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

2. Hồ sơ, quy trình, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp xã hội

Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội. 

Theo đó, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp xã hội được thực hiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp quy định trong Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Kèm theo hồ sơ phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường do những người sau đây ký:

  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân.

  • Đối với công ty hợp danh: các thành viên hợp danh.

  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: các thành viên là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên là tổ chức.

  • Đối với công ty cổ phần: cổ đông sáng lập là cá nhân, cổ đông khác là cá nhân, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông sáng lập là tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông khác là tổ chức, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập.

Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

3. Quy định pháp luật khác về doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội được quy định cụ thể hơn tại Nghị định 47/2021/NĐ-CP, theo đó, nghị định này quy định như sau:

a) Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhân viện trợ, tài trợ

Theo Điều 4 Nghị định 47/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Nguồn viện trợ chủ yếu đến từ các cơ quan sau:

  • Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

  • Các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Hình thức viện trợ chủ yếu bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật.

Khi tiếp nhận các khoản viện trợ, doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện thủ tục thông báo tiếp nhận các khoản tài trợ theo các bước như sau.

Bước 1. Lập văn bản tiếp nhận tài trợ

Văn bản phải bao gồm những nội dung sau:

  • Thông tin về cá nhân.

  • Tổ chức tài trợ.

  • Loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ.

  • Thời điểm thực hiện tài trợ.

  • Yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ.

  • Họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có). 

Bước 2. Gửi thông báo tiếp nhận tài trợ

  • Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp Tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ.

  • Kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.

  • Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ. 

b) Mục tiêu chính là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Mục tiêu về lợi nhuận không phải là mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội.

Để cụ thể hoá mục tiêu này, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động (theo Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP và khoản 1 Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Cũng theo Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP, trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký, trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết.

4. Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020.

  • Nghị đinh 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020