Trong phạm vi bài viết dưới đây, Siglaw sẽ đưa ra những quy định pháp luật về việc hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong từng trường hợp cụ thể sau:
Quy định pháp luật về hưởng chế độ ốm đau
1. Quy định về đối tượng áp dụng chế độ ốm đau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, các đối tượng được hưởng chế độ ốm đau được quy định như sau:
a. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c. Cán bộ, công chức, viên chức;
d. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
h. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Như vậy theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, những đối tượng nằm trong danh mục trên đây sẽ được áp dụng và hưởng chế độ ốm đau. Doanh nghiệp và người lao động cần chú ý để đảm bảo quyền lợi của mình.
2. Quy định về thời gian được hưởng chế độ ốm đau
Căn cứ theo điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian được hưởng chế độ ốm đau được quy định như sau:
- Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a. Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b. Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a. Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b. Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, đối với từng đối tượng người lao động khác nhau mà pháp luật quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau là khác nhau. Doanh nghiệp và người lao động cần nắm rõ chế độ của từng trường hợp cụ thể để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
3. Quy định về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau
Căn cứ theo điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội , thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được quy định như sau:
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, đối với những người đang nuôi con nhỏ nằm trong điều kiện hưởng chế độ trên cần nắm được các quy định để đảm bảo quyền lợi hưởng chế độ khi con ốm đau của mình.
4. Quy định về mức hưởng chế độ ốm đau
"1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
a. Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
b. Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
c. Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Quy định trên áp dụng cho người lao động nằm trong diện được hưởng chế độ ốm đau và mức hưởng chế độ ốm đau cho từng đối tượng người lao động theo quy định của pháp luật."
5. Quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau.
Căn cứ theo Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau như sau:
"1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a. Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b. Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c. Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở."
Trên đây là toàn bộ nội dung và các quy định pháp luật về hưởng chế độ ốm đau theo Luật bảo hiểm xã hội hiện hành. Doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý và nắm được đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình tốt nhất.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn