Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật

22/09/2021
Các nhà đầu tư cần chọn được hình thức đầu tư phù hợp với nhu cầu, mục đích đầu tư của mình trước khi bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh. Từ 1/1/2021, Luật đầu tư 2020 bắt đầu có hiệu lực, quy định về các hình thức đầu tư tại Việt Nam cũng có những thay đổi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thị trường.

Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật

1. Các hình thức đầu tư tại Việt Nam

Hiện nay, theo quy định  Luật đầu tư 2020, có 5 hình thức đầu tư tại Việt Nam như sau:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

  • Thực hiện dự án đầu tư.

  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

1.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế sẽ dẫn đến sự ra đời một tổ chức kinh tế mới độc lập về tư cách pháp lý với nhà đầu tư. Theo quy định thì nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục để thành lập tổ chức kinh tế theo pháp luật hiện hành. Trong đó, nhà đầu tư trong nước đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. 

  • Ưu điểm của hình thức này:
    • Thành lập tổ chức kinh tế mới nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, giúp họ thực hiện dễ dàng hơn các quyền của mình.

    • Không bị giới hạn quy mô. Lợi nhuận, trách nhiệm pháp lý của công ty sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên nên đảm bảo được tính công bằng.

  • Nhược điểm của hình thức này:
    • Thủ tục phức tạp và thời gian sẽ kéo dài hơn do ngoài việc tuân thủ luật đầu tư thì còn phải tuân thủ quy định của luật doanh nghiệp.

    • Đi kèm với đó cần tuân thủ các nghĩa vụ doanh nghiệp được pháp luật quy định. 

Đây là hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhất bởi nó sẽ đảm bảo được tốt nhất quyền, lợi ích của các nhà đầu tư.

1.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Luật đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau:

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này.

  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Ngoài ra quy định về các trường hợp Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế cũng có sự thay đổi so với luật cũ. Luật Đầu tư 2020 đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ từ 50% trở lên để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020.

Luật mới cũng bổ sung thêm trường hợp “Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, Luật đầu tư mới đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

1.3. Thực hiện dự án đầu tư

Điều 23 Luật đầu tư 2020 quy định như sau:

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.

  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Như vậy, các quy định về đầu tư theo hình thức này hầu như giữ nguyên, kế thừa lại quy định tại Luật đầu tư 2014, chỉ khác về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trên 50% là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.

1.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Đây là hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban vận hành để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban vận hành do các bên thỏa thuận.

Về cơ bản, quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC của Luật đầu tư 2020 vẫn giữ nguyên quy định như tại Luật đầu tư 2014: Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.

1.5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ

Thay vì chỉ quy định cụ thể về 5 hình thức đầu tư như trước đây, Luật đầu tư 2020 dự liệu thêm “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, các quy định pháp luật đưa ra cũng không còn mang tính rập khuôn, bó hẹp nữa mà luôn là quy định mở cho thấy chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng cởi mở chào đón các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai. Nhìn chung quy định đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng, nhiều ưu đãi và ngày càng hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Luật đầu tư đã bỏ quy định về hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP bởi sẽ có Luật riêng quy định về đầu tư đối tác công tư từ năm 2020. Từ đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức đầu tư này.

2. Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư số 61/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17 tháng 06 năm 2020.

  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY LUẬT SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020