Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Tiếp cận thị trường là gì? Điều kiện tiếp cận thị trường theo Luật Đầu tư 2020

17/01/2023
Việt Nam đang dần trở thành môi trường đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đó là điều kiện tiếp cận thị trường. Vậy tiếp cận thị trường là gì và pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện tiếp cận thị trường ra sao? Hãy cùng Siglaw tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Tiếp cận thị trường - Điều kiện tiếp cận thị trường theo Luật Đầu tư 2020

1. Tiếp cận thị trường là gì?

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm thế nào là tiếp cận thị trường. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu đơn giản tiếp cận thị trường là khả năng của một công ty hay một quốc gia có thể bán, cung cấp hàng hóa và dịch vụ ra thị trường nước ngoài. Trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thì tiếp cận thị trường là khả năng mà nhà đầu tư có thể đầu tư vào ngành, nghề ở thị trường quốc gia đó. 

Ngoài ra, khả năng tiếp cận thị trường ở đây sẽ thường đi kèm với các loại thuế, hạn ngạch. Đó cũng chính là điểm khác biệt giữa tiếp cận thị trường và thương mại tự do. Vì thương mại tự do hàm ý là hàng hóa và dịch vụ được tự do lưu thông mua bán mà không chịu hoặc ít bị tác động bởi các chi phí do Chính phủ áp đặt. 

2. Ý nghĩa và vai trò của tiếp cận thị trường

Tiếp cận thị trường được coi là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng khi tiến hành các hoạt động thâm nhập sâu hơn vào thị trường và tăng cường quan hệ thương mại.

Việc tìm hiểu điều kiện tiếp cận thị trường sẽ giúp cho các nhà đầu tư xác định được con đường lâu dài cho doanh nghiệp của mình cũng như xây dựng được các kế hoạch chi tiết cụ thể và phương hướng triển khai sản phẩm, dịch vụ. 

Còn đối với các quốc gia thì việc điều chỉnh điều kiện tiếp cận thị trường sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để thúc đẩy các ngành xuất nhập khẩu. Ngoài ra Nhà nước cũng đề ra một số ngành nghề hạn chế điều kiện tiếp cận thị trường nhằm giảm khả năng cạnh tranh với các ngành công nghiệp nội địa hoặc mang tính chiến lược quốc gia. 

Thế giới cũng đang ngày một quan tâm hơn tới vấn đề tiếp cận thị trường, đặc biệt là trong các quá trình đàm phán thương mại. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng có những ảnh hưởng nhất định tới tiếp cận thị trường bằng việc đưa ra các nền tảng mà Chính phủ thành viên có thể giải quyết, đàm phán vấn đề thương mại với thành viên khác.

Lấy ví dụ điển hình như là WTO đã hạ thấp các rào cản thương mại nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường giữa các quốc gia thành viên. 

3. Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường theo Luật Đầu tư 2020

Nhằm giúp các nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường mà vẫn có thể quản lý được nền kinh tế trong nước thì Luật Đầu tư 2020 đã quy định khá rõ về điều kiện tiếp cận thị trường. 

Căn cứ theo khoản 10 điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 điều 9 của Luật này. 

3.1. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Tại khoản 2 điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: 

Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường 

Đây là danh mục các ngành nghề mà hiện tại Chính Phủ vẫn đang kiểm soát và chưa cho phép đầu tư. Tuy nhiên trong tương lai khi quá trình hội nhập hóa diễn ra mạnh mẽ thì những ngành nghề này có thể được cho phép đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. 

Theo Mục A Phụ lục I nghị định 31/2021/NĐ-CP đã liệt kê rất rõ 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường. 

Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện 

Đây là danh mục các ngành nghề được Chính phủ cho phép đầu tư. Tuy nhiên khi nhà đầu tư muốn đầu tư vào thì bắt buộc cần phải đáp ứng được các điều kiện nhất đinh. Các điều kiện này thông thường sẽ có mối liên hệ mật thiết với giấy phép con. 

Tại Mục B Phụ lục I nghị định 31/2021/NĐ-CP đã liệt kê có 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. 

Xem thêm: Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư tại Việt Nam

Xem thêm: Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 

Ngoài ra thì ở trong nghị định 31/ 2021/NĐ-CP đã quy định rõ đối với các danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, bao gồm:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường: theo Mục A Phụ lục I của nghị định và nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư 
  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện: theo Mục B Phụ lục I của nghị định và nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đã được đăng tải trên Cổng thông tin Quốc gia.
  • Ngành, nghề chưa cam kết tiếp cận thị trường: nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư khi đáp ứng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

3.2. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài 

Tại khoản 3 điều 9 Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: 

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế: Đây là một trong những điều kiện quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Đối với một số ngành nghề, pháp luật sẽ quy định điều kiện về tỷ lệ vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế. Có thể lấy ví dụ như trong ngành Quảng cáo thì nhà đầu tư được phép liên doanh với công ty Việt Nam với tỷ lệ vốn góp lên đến 99%. 

  • Hình thức đầu tư: Để tiến hành đầu tư vào Việt Nam thì việc quan trọng đầu tiên mà nhà đầu tư cần phải thực hiện đó chính là lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với mình. Hiện nay thì ở Việt Nam có 5 hình thức đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. 

  • Phạm vi hoạt động đầu tư: Trường hợp đầu tư kinh doanh ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài tự do đầu tư giống như nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên nếu đầu tư kinh doanh ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và thuộc trường hợp hạn chế phạm vi hoạt động đầu tư, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế phạm vi hoạt động đầu tư trong ngành, nghề đó. Có thể lấy ví dụ đối với dịch vụ giáo dục là ngành tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó nếu nhà đầu tư muốn lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì cần phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định pháp luật. 

  • Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư ở đây có thể hiểu như là năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật chuyên môn của họ. Điển hình như năng lực tài chính của nhà đầu tư thì một số dự án yêu cầu nhà đầu tư cần phải tiến hành đặt cọc khoản tiền và quy định mức vốn tối thiểu nhà đầu tư cần có để tham gia. 

  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tại khoản 1 điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước Quốc tế Việt Nam là thành viên. Ngoài ra còn cần phải có kế hoạch tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp giấy phép kinh doanh, không còn nợ thuế quá hạn khi đã thành lập tại Việt Nam 1 năm trở lên. 

4. Căn cứ pháp lý 

  • Luật Đầu tư 2020 
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020