Siglaw Firm - Hãng Luật sư chuyên sâu pháp lý doanh nghiệp FDI và Việt Nam

Đầu tư ra nước ngoài là gì? Tổng quan quy định về đầu tư ra nước ngoài

30/01/2023
Đầu tư ra nước ngoài những năm gần đây đang trở thành xu thế, là cơ hội để những nhà đầu tư trong nước hội nhập, phát triển và mở rộng thị trường kinh doanh ra quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn lợi lớn hơn. Vậy, đầu tư ra nước ngoài được pháp luật quy định thế nào? Phạm vi bài viết sau đây chú trọng vào những kiến thức pháp luật tổng quan về vấn đề đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư trong nước cần nắm được khi có ý định ra thị trường quốc tế.

Đầu tư ra nước ngoài là gì? Tổng quan quy định về đầu tư ra nước ngoài

1. Đầu tư ra nước ngoài là gì? Pháp luật Việt Nam định nghĩa thế nào về đầu tư ra nước ngoài?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 13, Điều 3, Luật Đầu tư 2020, đầu tư ra nước ngoài là một hình thức đầu tư quốc tế, là các hoạt động nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. 

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng. Đầu tư ra nước ngoài là một phương thức giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên trường quốc tế. 

2. Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 51, Luật Đầu tư 2020 như sau: 

  • Thứ nhất, Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
  • Thứ hai, Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư 2020, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư khi thực hiện một dự án đầu tư ra nước ngoài cần lưu ý nguyên tắc về mục đích đầu tư được nhà nước khuyến khích nêu trên và phải đáp ứng những quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể những vấn đề nhà đầu tư cần nắm được trước khi thực hiện dự án đầu tư Siglaw sẽ nêu rõ trong những phần tiếp theo của bài viết.

3. Hình thức đầu tư ra nước ngoài 

Vấn đề đầu tư ra nước ngoài thường được biết đến qua những loại hình phổ biến như chuyển vốn ra nước ngoài hoặc mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp tồn tại ở nước ngoài. Theo quy định tại Điều 52, Luật Đầu tư 2020, khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư có thể đầu tư dưới các hình thức sau: 

  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài.
  • Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
  • Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
  • Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

4. Điều kiện đầu tư ra nước ngoài 

Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần phải đáp ứng cả điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư tại Việt Nam và cả quy định của quốc gia nơi tiếp nhận đầu tư và các điều ước quốc tế có liên quan. Theo đó, khi nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện quan trọng sau. 

4.1. Điều kiện để xin cấp mới dự án đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ Điều 60, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư khi muốn thực hiện dự án đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện bắt buộc sau: 

  • Phù hợp nguyên tắc khuyến khích đầu tư của Nhà nước và quy định pháp luật.
  • Không thuộc ngành cấm đầu tư và đáp ứng điều kiện đối với ngành có điều kiện.
  • Có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài (Do nhà đầu tư tự quyết định theo quy định luật doanh nghiệp hoặc Cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp Nhà nước).
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

4.2. Điều kiện về chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có)

Khi thực hiện một dự án đầu tư mới cả trong và ngoài nước, các nhà đầu tư đều cần phải lưu ý trong việc xác định dự án đầu tư có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư không. Đối với hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, các dự án cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn, lĩnh vực đầu tư hoặc cơ chế, chính sách của nhà nước. 

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được pháp luật Đầu tư quy định thuộc về Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ Điều 56, Luật Đầu tư 2020:

  • Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội gồm: Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
  • Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

Theo đó, nhà đầu tư cần xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ và thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng dẫn tại: 

  • Điều 57, Luật Đầu tư 2020: Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội
  • Điều 58, Luật Đầu tư 2020: Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ

4.3. Điều kiện về Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

  • Với dự án cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 61, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư không cần nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài. 
  • Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, sẽ cần lấy ý kiến.
  • Với dự án đầu tư ra nước ngoài không phải thực hiện xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, Điều 61, Luật Đầu tưu 2020. Nhà đầu tư sau khi nộp bộ hồ sơ đăng ký đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ nhận được kết quả sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 4, Điều 61, Luật Đầu tư 2020. 

4.4. Điều kiện về chuyển vốn đầu tư sang nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư

Sau khi đăng ký xong giao dịch ngoại hối nhà đầu tư chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài theo tiến độ dự án đã đăng ký.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được nhanh chóng và thuận lợi.

5. Lợi ích của việc đầu tư ra nước ngoài

Đối với doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường mới nổi và tiềm năng, giúp nâng cao hiệu quả cạnh tranh, từ đó có cơ hội đầu tư tốt hơn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 

Bên cạnh đó, đầu tư ra nước ngoài cũng giúp các doanh nghiệp thiết lập vị thế trong thị trường, tích lũy kinh nghiệm trên thương trường quốc tế; học hỏi, tiếp thu và phát triển tiến bộ khoa học công nghệ; sử dụng nguồn nhân lực dồi dào ở nơi bản xứ…và áp dụng những thành công ở nước ngoài vào hoạt động kinh doanh trong nước.

Đầu tư ra nước ngoài giúp các công ty phát triển vốn vô hình của mình như: gia tăng giá trị thương hiệu, phát triển công nghệ và bí quyết công nghệ. 

Đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp có điều kiện phân tán rủi ro kinh doanh, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thế giới đầy biến động về kinh tế – chính trị như hiện nay.

6. Câu hỏi thường gặp về đầu tư ra nước ngoài 

Câu 1: Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại đâu?

Trả lời: Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài sẽ được nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Địa chỉ: Địa chỉ: 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ bằng hai phương thức trực tiếp và trực tuyến tại địa chỉ website: fdi.gov.vn Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. 

Câu 2: Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài có thể điều chỉnh sau này không?

Trả lời: Doanh nghiệp có thể xin điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài sau khi dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thủ tục thực hiện hoạt động điều chỉnh này nhà đầu tư xem quy định tại Điều 34, 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Câu 3: Cá nhân có thể xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài không? 

Trả lời: Điều 68 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định cá nhân có quyền thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài và xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài trừ trường hợp các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020. 

7. Cơ sở pháp lý

  • Luật đầu tư 2020.
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. 
  • Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Pháp luật sở tại tại nước tiếp nhận đầu tư.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: hanoi@siglaw.vn

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Email: hcm@siglaw.vn


Xem tất cả
CÔNG TY SIGLAW
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0967 818 020
Email: hanoi@siglaw.vn
 
Chi nhánh Miền Trung:
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
Hotline: 0967 818 020
 
Chi nhánh Miền Nam:
Địa chỉ: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0967 818 020
Email: hcm@siglaw.vn
 
Tư vấn miễn phí 24/7: 0967 818 020