Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến được nhà đầu tư lựa chọn thành lập nhất hiện nay. Tuy nhiên công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động tương đối phức tạp. Vậy công ty cổ phần là gì, những vấn đề xoay quay việc thành lập, hoạt động và quản lý như thế nào? Hãy cùng Siglaw thông qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về loại hình doanh nghiệp này.
Sau đây là những kiến thức tổng quan của công ty luật Siglaw về công ty cổ phần bao gồm khái niệm, đặc điểm và những ưu - nhược điểm cần nắm rõ trước khi bắt đầu với loại hình doanh nghiệp này:
1. Một số khái niệm cần biết
- Chủ sở hữu doanh nghiệp: cá nhân, pháp nhân – những người đứng trên Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ là người thành lập, điều hành doanh nghiệp và có đủ các quyền của một chủ sở hữu nói chung đối với doanh nghiệp của mình như chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
- Người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp: là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Công ty đối vốn: là những công ty chỉ quan tâm đến phần vốn góp mà không cần quan tâm đến yếu tố nhân thân người góp vốn nên thành viên công ty thường rất đông, những người không hiểu biết về kinh doanh cũng có thể tham gia vào công ty đối vốn.
- Công ty đối nhân: là những công ty được thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi chế độ tin cậy về nhân thân của các thành viên tham gia, góp vốn chỉ là yếu tố thứ yếu trong đó. Chính sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên là cơ sở hình thành và tồn tại của công ty.
Xem thêm: So sánh Công ty đối vốn - Công ty đối nhân
- Điều lệ công ty: là bản thỏa thuận giữa những người chủ sở hữu công ty với nhau, là sự cam kết, ràng buộc các thành viên trong một luật lệ chung, được soạn thảo căn cứ theo pháp luật, quy định các nguyên tắc về thành lập, quản lý hoạt động và giải thế của doanh nghiệp.
- Vốn điều lệ: là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết sẽ góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty.
- Tư cách pháp nhân: là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xem thêm: Khi nào một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân?
- Trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp: là trách nhiệm đối với các khoản nợ, nghĩa vụ và chi phí phát sinh khác của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát sinh nợ và nghĩa vụ nhưng không đủ khả năng trả thì phải xét đến yếu tố loại hình công ty. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần thì chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì phải chịu trách nhiệm vô hạn.
2. Công ty cổ phần là gì?
Theo khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó:
-
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
-
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.
-
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
-
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
-
Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
-
Có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
3. Đặc điểm của công ty cổ phần
Ngoài việc sở hữu những đặc điểm chung giống các loại hình doanh nghiệp khác như là một tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân, có tài sản, có trụ sở, địa điểm đăng ký kinh doanh,... công ty cổ phần cũng có những đặc điểm riêng để phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác.
- Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần
-
Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp.
-
Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
-
Nếu công ty cổ phần có 1 người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
-
Trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Vốn điều lệ công ty cổ phần: Theo khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp thì vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
- Các loại cổ phần trong công ty cổ phần: Tại Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có hai loại cổ phần chính là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
Cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có của doanh nghiệp, được phân chia dựa trên vốn điều lệ của công ty, các cổ đông sở hữu loại cổ phần này được quyền chuyển nhượng, có quyền biểu quyết đối với các quyết định của công ty tại Đại hội đồng cổ đông và hưởng cổ tức theo kết quả kinh doanh, số lượng phiếu họ nắm giữ theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.
Còn cổ phần ưu đãi là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Theo đó, cổ phần ưu đãi gồm có các loại sau đây:
-
Cổ phần ưu đãi biểu quyết.
-
Cổ phần ưu đãi cổ tức.
-
Cổ phần ưu đãi hoàn lại.
-
Cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định.
- Cổ đông công ty cổ phần: Cổ đông là người sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác trong phạm vi số vốn đã góp.
Công ty phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Có 3 loại hình cổ đông trong công ty cổ phần:
-
Cổ đông sáng lập: phải sở hữu ít nhất một cổ phần và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập. Cổ đông sáng lập cũng chính là cổ đông phổ thông.
-
Cổ đông phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông.
-
Cổ đông ưu đãi: người sở hữu cổ phần ưu đãi là cổ đông ưu đãi.
- Khả năng huy động vốn: So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác thì công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có khả năng huy động vốn công ty cao và linh hoạt nhất. công ty cổ phần không bị không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn và được phát hành cổ phần các loại, phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác để huy động vốn. Hơn nữa thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cũng rất dễ dàng, các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình theo quy định. Trong đó:
-
Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty. Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần, việc mua cổ phần là cách để góp vốn vào công ty cổ phần.
-
Giống như các loại hình công ty khác, công ty cổ phần có thể huy động vốn từ các khoản vay tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài ra, công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Theo khoản 2 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần có các hình thức huy động vốn như sau:
-
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
-
Chào bán cổ phần riêng lẻ.
-
Chào bán cổ phần ra công chúng.
- Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần: Đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị là hai cơ quan đặc trưng và bắt buộc phải có trong công ty cổ phần, cụ thể:
Đại hội đồng cổ đông: Gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng có thể họp bất thường.
Hội đồng quản trị: Là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ công ty, trừ các quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có từ 3 đến 11 thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên.
- Quy định về chuyển nhượng cổ phần: Về nguyên tắc các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. Tuy nhiên vẫn có trường hợp hạn chế chuyển nhượng cụ thể:
-
Bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của điều lệ công ty và phải ghi rõ việc hạn chế đó trên cổ phiếu tương ứng.
-
Cổ phần của cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác trong vòng 3 năm đầu sau thành lập, nếu chuyển cho người không phải cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.
-
Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện tương đối linh hoạt, có thể thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán
- Chế độ chịu trách nhiệm tài sản: Chế độ trách nhiệm tài sản của cổ đông là chế độ trách nhiệm hữu hạn, tức là chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn góp vào công ty mà không liên quan đến tài sản riêng. Chế độ trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần: công ty cổ phần chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng toàn bộ tài sản của công ty.
4. Ưu điểm và nhược điểm của công ty cổ phần
Thông qua những đặc điểm vừa kể trên của công ty cổ phần, có thể nhận rõ được những ưu và nhược điểm của đặc điểm loại hình doanh nghiệp này:
4.1. Ưu điểm
-
Tự chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ, các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro trong hoạt động kinh doanh không cao.
-
Có khả năng huy động vốn rất cao bằng cách thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng. Đây là một lợi thế duy nhất có ở loại hình công ty cổ phần.
-
Không hạn chế số lượng cổ đông và có thể huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trên thế giới nên công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất.
-
Tự do chuyển nhượng, tự do mua bán, thừa kế cổ phần của các cổ đông thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
-
Khả năng mở rộng kinh doanh và hoạt động được trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề.
-
Tính độc lập giữa quản lý và sở hữu sẽ mang lại hiệu quả vận hành cao.
-
Phần lương, thưởng của các cổ đông góp vốn tại các vị trí quản lý được tính vào chi phí hoạt động của công ty để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
-
Minh bạch trong quản lý, điều hành do mọi quyết định trong việc kinh doanh đều được thu thập ý kiến của các cổ đông
4.2. Nhược điểm
-
Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng cổ đông có thể rất lớn, có khả năng phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích do nhiều người không hề quen biết nhau.
-
Sự minh bạch và công khai trong hoạt động với các cổ đông sẽ làm hạn chế tính bảo mật kinh doanh và tài chính.
-
Chế độ tài chính, kế toán và việc quản lý, điều hành công ty cổ phần cũng phức tạp hơn so với các loại hình kinh doanh khác.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)
Hotline: 0967 818 020
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 - NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội
Email: hanoi@siglaw.vn
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng
Chi nhánh Miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Email: hcm@siglaw.vn